Bất động sản, khi “trăm nghe không bằng một thấy”

06:58 | Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Sau ngày 1/7, bên cạnh sự hồ hởi khi điều khoản cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam hiệu lực, thị trường cũng mong chờ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai đi vào thực tế. 


Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn trong vấn đề bảo lãnh, nên trước mắt, sự bảo lãnh chắc chắn nhất lại chính là uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư.

Băn khoăn “bảo lãnh” qua ngân hàng

Luật Kinh doanh bất động sản mới quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. 

Theo đó, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, người mua có thể yêu cầu bên bảo lãnh (ngân hàng) hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, muốn được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh có giá trị 100 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải có 100 tỷ đồng đặt vào ngân hàng hoặc tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản bảo đảm. 
Điều này, theo ông Châu là khó khả thi vì mỗi dự án có mức đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp không thể xoay sở được số tiền lớn như vậy. 

Ở góc độ khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành băn khoăn, trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ thì ngân hàng bảo lãnh sẽ phải trả lại tiền cho khách hàng. 

Nhưng trả bao nhiêu, một lần hay nhiều lần, có cộng lãi suất không…? Liệu có việc các doanh nghiệp ký lùi thời gian để tránh việc phải bảo lãnh? 

Thực tế, hiện không thiếu các quy định bảo vệ người mua nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều va chạm giữa chủ đầu tư và khách hàng như bàn giao chậm tiến độ, tiện ích dịch vụ không như cam kết, chất lượng không đảm bảo…

Và cho dù bảo lãnh qua ngân hàng thực hiện tốt, người mua nhận lại được tiền khi dự án có vấn đề thì vẫn rất thiệt thòi về thời gian, công sức, chi phí cơ hội…

Một chuyến đi thay vạn lời nói 

Như để giải tỏa băn khoăn, thời gian qua một số chủ đầu tư đã chứng minh với khách hàng bằng những cam kết mạnh mẽ, thậm chí bằng hành động cụ thể, như việc tổ chức cho khách hàng trải nghiệm thực tế các dự án đã đi vào vận hành, để đảm bảo “mắt thấy tai nghe”. 

Doanh nghiệp đi tiên phong trong việc “bảo lãnh bằng thương hiệu” chính là tập đoàn Vingroup - đơn vị đang có lợi thế vượt trội trên thị trường khi đã kiến tạo thành công “chuỗi đô thị mẫu” Vinhomes đình đám. 

Những Vinhomes Times City, Vinhomes Royal City hay Vinhomes Riverside… đã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn được công nhận tại các giải thưởng bất động sản khu vực và quốc tế về chất lượng sống và các chuẩn mực đô thị. 

Vì thế, tập đoàn này rất tự tin khi mời hơn 2.000 khách hàng của Vinhomes Central Park tại Tp.HCM “Bắc tiến” để được mục sở thị các khu đô thị Vinhomes. 

Mục đích của các hành trình mang tên “trải nghiệm giá trị sống cùng Vinhomes” là mang tới cho khách hàng sự hình dung rõ nét về không gian sống tại các dự án Vinhomes, cũng như trải nghiệm chất lượng sống thực tế, thay vì chỉ tham quan các căn hộ mẫu hoặc nhìn bản chào bán hàng.

Kết quả dường như rất khả quan. Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều khách hàng tham gia các chuyến đi thực tế trên đã bày tỏ sự hài lòng với năng lực của chủ đầu tư. 

Có không ít vị đã lên ngay kế hoạch đầu tư căn hộ tiếp theo, hoặc “rủ rê” người thân, bạn bè. 

“Thị trường bất động sản Hàn Quốc đóng băng, chúng tôi muốn mang tiền tới Việt Nam đầu tư, khi thị trường ở đây khởi sắc và chính phủ có thay đổi luật cho người nước ngoài. Uy tín của Vingroup đã được khẳng định qua các dự án lớn. Chúng tôi chọn dự án mang thương hiệu Vinhomes vì chúng tôi cần sự an toàn”, ông Park Choi, một vị khách Hàn Quốc nói.



Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Ống sáo treo lịch giá rẻ, chất lượng cao 0976973965

03:02 | Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015
Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Khánh Liên

Dựa trên nhu cầu trang trí, làm đẹp của khách hàng cho những poster, tranh ảnh, lịch, băng rôn, tranh thư pháp…Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Khánh Liên chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm ống sáo treo lịch: ống suốt, sáo trúc, ống nhựa, nẹp lịch, poster, băng rôn, khung tranh ảnh thư pháp....với nhiều kích thước, chất liệu phù hợp với mọi loại tranh, ảnh, thư pháp.






Sáo bọc decan ( vân gỗ, nhũ ,đá), sáo không bọc decan ( vân gỗ, vàng chanh)…


Standee

Công ty Khánh Liên tự hào là nhà cung cấp đầu tiên về ống sáo treo lịch trên thị trường Việt Nam. Với phương châm: ”Chất lượng hàng đầu, giá cả cạnh tranh”, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm và hài lòng với sản phẩm ống sáo treo lịch của chúng tôi.



Mành sáo trúc




Văn phòng giao dịch: 1A Hàng cót-Hoàn kiếm- Hà nội

Hiện nay, công ty Khánh Liên vinh hạnh là đối tác tin cậy cho các tập đoàn, công ty lớn trong ngành Viễn thông, Ngân hàng, in ấn, quảng cáo, tạp chí…Được đánh giá cao về chất lượng, giá cả hợp lý và đặc biệt, đem đến sự hài lòng cho cả những khách hàng khó tính nhất.

Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Khánh liên hân hạnh được phục vụ bạn!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Mr. Khánh : 0976 973 965
Ms. Liên    : 0906 226 926
VPGD       : 1A Hàng Cót - Hoàn Kiếm - Hà Nội
Xưởng SX : 583 Vũ tông phan - Thanh Xuân -Hà Nội
Skype        : ongsuotkhanhlien
Email        :ongsuotkhanhlien@gmail.com
Website     : http://khanhlien.vn/home/


Read more…

Những ngành nào trả lương cao nhất tại Mỹ?

20:36 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Số liệu của Cục Thống kê Mỹ cho thấy số lượng người Mỹ có bằng đại học ngày càng nhiều. 


Theo Washington Post, tính đến năm 2011, cứ 3 người Mỹ trên 25 tuổi thì có 1 người có bằng đại học, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với thời điểm năm 1998. 

Nhiều người có bằng đại học giống nhau nhưng mức lương đối với từng ngành khác nhau rất khác nhau. Sự chênh lệch này còn lớn hơn theo thời gian.

Từ mới ra trường...

Theo kết quả cuộc khảo sát của Hiệp hội Các trường đại học và nhà tuyển dụng Mỹ (NACE), với người đi làm mới tốt nghiệp đại học năm 2015, những ngành nghề sau đây có mức lương cao nhất:

- Kỹ thuật (lương khởi điểm ước tính năm 2015: 62.998 USD/năm). Kỹ sư ngành dầu khí thường sẽ có lương khởi điểm khoảng 80.000 USD/năm, cao nhất  trong nhóm các ngành kỹ thuật. 

- Khoa học máy tính (lương khởi điểm ước tính năm 2015: 61.287 USD/năm). Những sinh viên Mỹ tốt nghiệp ngành khoa học máy tính năm nay có thể sẽ nhận được lương cao hơn, bởi nhu cầu nhân sự đối với ngành này tại Mỹ đang khá lớn.

- Toán học và khoa học (lương khởi điểm ước tính năm 2015: 56.171 USD/năm). Trong nhóm ngành toán học và khoa học này, cử nhân vật lý sẽ nhận lương cao nhất, mức lương hàng năm có thể lên đến 65.000 USD/năm.

- Kinh tế (lương khởi điểm ước tính năm 2015: 51.508 USD/năm). 

- Nông nghiệp và khai khoáng (lương khởi điểm ước tính năm 2015: 51.220 USD/năm). 

Ngoài ra, NACE cũng công bố một số ngành nghề khác có mức lương khởi điểm khá cao dành cho sinh viên mới ra trường bao gồm: y tế (50.839 USD/năm); truyền thông (49.351 USD/năm); khoa học xã hội (49.047 USD/năm) và nhân học (45.042 USD/năm).

...đến làm lâu năm

Ở trên là những ngành nghề được trả lương cao nhất khi sinh viên mới ra trường và bắt đầu công việc của mình. Tuy nhiên, qua thời gian, mức tăng lương ở mỗi ngành biến động khác nhau, và đến giai đoạn nhân viên đã đi làm lâu năm với nhiều kinh nghiệm (mid - career), thì nhiều ngành trong nhóm trên như y tế, truyền thông, khoa học xã hội và nhân học đã không còn ở nằm trong top trả lương cao nhất nữa.

Theo một khảo sát của tạp chí Forbes, những ngành nằm trong nhóm trả lương cao nhất của giai đoạn nhân viên mid - career bao gồm:

- Kỹ thuật dầu khí (168.000 USD/năm);

- Kỹ thuật hạt nhân (121.000 USD/năm); 

- Toán học thống kê (119.000 USD/năm); 

- Hóa học (118.000 USD/năm); 

- Kỹ thuật điện tử và truyền thông (116.000 USD/năm); 

- Khoa học máy tính (115.000 USD/năm); 

- Kỹ thuật hệ thống (114.000 USD/năm); 

- Kỹ thuật hàng không (113.000 USD/năm); 

- Kỹ thuật máy tính (109.000 USD/năm); 

- Kỹ thuật khai mỏ (109.000 USD/năm).


Sưu tầm bởi Wlike.vn



Read more…

“Không cổ phần hóa với bất cứ giá nào”

20:36 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

"Với quyết tâm chính trị cao và với tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực, không phải chúng ta cổ phần hóa với bất cứ giá nào, mà phải hết sức bình tĩnh, có bước đi thích hợp và hạn chế, khắc phục tối đa những sơ suất có thể".


Đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên với báo giới chiều 1/9 trước câu hỏi "liệu chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của năm 2105 khi mà thời gian còn lại chỉ là 4 tháng?".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, trong phiên họp trước đó, Chính phủ có nghe tình hình cổ phần hóa 8 tháng và qua báo cáo, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đánh giá rằng các cơ quan, địa phương đã tích cực thực hiện kế hoạch đề ra và đem lại một số kết quả, có khẩn trương hơn, một số ngành có tích cực hơn, kết quả cụ thể hơn. 

Tuy nhiên, so với mục tiêu thì còn chậm và từ nay đến cuối năm 2015 có khoảng hơn 280 doanh nghiệp có thể hoàn thành, còn lại 89 doanh nghiệp chưa hoặc khó hoàn thành vì nhiều lý do khác nhau.

Sau khi thảo luận, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, theo dõi, giám sát, chỉ đạo những đơn vị chưa làm được, đánh giá cho được nguyên nhân chủ quan, khách quan, nếu do chủ quan thì xử lý nghiêm. 

Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc xem xét lại 89 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, khó hoàn thành để xem nguyên nhân, có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thời gian tới và xử lý nghiêm những trường hợp do nguyên nhân chủ quan hoặc cố tình không hoàn thành.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Chốt phương án tăng lương tối thiểu lên mức 3,5 triệu đồng

20:34 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Sáng 3/9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. 


Với sự đồng thuận cao, Hội đồng thống nhất trình lên Chính phủ mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 12,4%, tương ứng với vùng 1 là 400.000 đồng, vùng 2 (350.000 đồng), vùng 3 (300.000 đồng), vùng 4 (250.000 đồng).

Nếu được thông qua, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên mức 3,5 triệu đồng/tháng (vùng 1), 3,1 triệu đồng/tháng (vùng 2), 2,7 triệu đồng/tháng (vùng 3) và 2,4 triệu đồng/tháng (vùng 4)

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, với con số nêu trên, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Trước đó, qua nhiều phiên họp, các bên vẫn chưa thể thống nhất được mức lương tối thiểu vùng dự kiến tăng do bất đồng về tỷ lệ tăng. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng bình quân là 16,8%. Còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất mức tăng 10%.

Trước đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã chính thức bày tỏ quan điểm về việc tăng tương tối thiểu, theo đó ông ủng hộ một giải pháp dung hòa lợi ích các bên.

Ông Lộc cho rằng, trên quan điểm của VCCI, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%, thì một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9 -10% là hài hoà.

Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là “rất cao”.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Nhiều “ông lớn” bắt đầu đối mặt rủi ro tỷ giá

20:32 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Ngày 3/9, Bộ Công Thương họp giao ban trực tuyến tháng 8/2015. Lỗ lớn vì chênh lệch tỷ giá là thông tin bước đầu phản ánh từ cuộc họp này.


Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết, trong tháng 8 vừa qua, ngành than nói chung và TKV nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Một khó khăn nổi bật là từ biến động tỷ giá. Ông Tuấn cho biết, do chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng. TKV đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.

Liên quan đến khó khăn này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng cho biết, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tài chính của tập đoàn.

Từ trường hợp của TKV và Petro Vietnam, cụ thể là từ kiến nghị cho tính khoản chênh lệch tỷ giá vào giá điện, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đưa ra đánh giá đáng chú ý.

Cổng thông tin Bộ Công Thương dẫn lại đánh giá của ông Ngô Sơn Hải tại cuộc họp giao ban trên rằng: chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng đến lĩnh vực điện rất lớn, riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và Petro Vietnam đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê.

Đại diện EVN cho biết thêm, tập đoàn đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết, vì nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, Petro Vietnam cùng đưa hết vào giá điện thì sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN.

Chủ trì buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Không nêu cụ thể tại cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương, song ngoài những “ông lớn” phản ánh trên, một số tập đoàn, tổng công ty lớn khác dự kiến cũng đang đối mặt với rủi ro tỷ giá và chi phí tài chính sẽ tăng lên.

Như với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), chỉ riêng các khoản vay ngoại tệ, tính đến cuối tháng 6/2015 là 13.520 tỷ đồng quy đổi, dự kiến chi phí có thể chịu tác động tiêu cực từ biến động mạnh của tỷ giá vừa qua.

Hay với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), với đặc thù cơ cấu dòng tiền thu - chi thừa VND và thiếu USD, tác động từ biến động tỷ giá có thể sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí hoạt động trong năm nay.

Số liệu công bố trước đây cho thấy, xét trên cả doanh thu và chi phí chênh lệch tỷ giá, trong các năm 2008, 2009 và 2010 (những năm tỷ giá USD/VND nhiều biến động), chênh lệch tỷ giá đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines với giá trị tương ứng 750 tỷ đồng, 486 tỷ đồng và 551 tỷ đồng.

Còn từ những năm 2011 - 2014, theo Vietnam Ailines giải thích trước thềm sự kiện IPO cuối năm 2014, chính sách ổn định tỷ giá từ năm 2011 đã làm giảm rất nhiều chi phí chênh lệch tỷ giá cho hãng hàng không này.

Tháng 8/2015, trước sự kiện Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ và bối cảnh biến động chung của thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hai lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tăng trực tiếp 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%.

Theo đó, định hướng dự kiến điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% đưa ra từ đầu năm đã bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro tỷ giá, khi mức tăng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 5%.

Trước khi có ước tính bước đầu về tác động đối với chi phí tại các tập đoàn, tổng công ty lớn nói trên, một số mặt hàng riêng lẻ, chủ yếu là hàng nhập khẩu như điện thoại, ôtô… cũng đã rục rịch tính tăng giá bán để cân đối chi phí vì biến động tỷ giá diễn ra trong tháng 8 vừa qua.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Sếp doanh nghiệp làm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội

20:31 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Bộ Tư pháp vừa công bố ứng viên trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội sau kỳ sát hạch do cơ quan này tổ chức.


Theo đó, TS.LS Lê Đình Vinh, sinh năm 1972, quê ở Vĩnh Phúc đã trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng. Đây cũng là lần đầu tiên, giám đốc một doanh nghiệp được chọn vào chiếc ghế hiệu trưởng của một trường đại học công lập ngành luật.

Khi ứng cử chức danh hiệu trưởng, ông Vinh là Giám đốc Công ty Luật Vietthink. Ông cũng từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có chức Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Everland,  Phó viện trưởng Viện Quản lý và phát triển Châu Á (AMDI), Phó trưởng ban Thư ký lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Ông Vinh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1995, sau đó học tiếp và tốt nghiệp thạc sỹ luật học vào năm 2003. Năm 2007, ông nhận bằng tiến sĩ luật học của Đại học Tổng hợp Kyushu (Nhật Bản). Từ năm 2013 đến nay, ông theo học tiến sỹ quản trị kinh doanh của Trường Đại học European University (Thụy sỹ).

Ngoài ông Lê Đình Vinh, đợt thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội vừa qua còn có 4 ứng viên khác, gồm:  TS. Hoàng Xuân Châu, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Luật Tp.HCM; TS. Trần Kim Liễu, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Đại học Luật Hà Nội.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Doanh nhân 21 tuổi nắm mạng lưới 1.000 khách sạn ở Ấn Độ

20:27 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Một đêm nọ, cậu thanh niên 18 tuổi Ritesh Agarwal không thể vào được căn hộ chung cư của mình ở New Delhi, và chính điều không mong đợi này đã mở ra một cơ hội thay đổi cuộc đời cậu.



Buộc phải ra ngoài thuê phòng khách sạn ngủ, Agarwal phải đối mặt với một tình thế mà cậu đã không ít lần gặp phải khi đi du lịch ở Ấn Độ. “Nhân viên lễ tân đã ngủ. Ổ cắm điện trong phòng không hoạt động. Đệm bị rách, phòng tắm rò nước. Và cuối cùng, tôi không thể thanh toán bằng thẻ”, Agarwal nhớ lại.



“Tôi cảm thấy, nếu đây là vấn đề của mình, thì cũng là vấn đề đối với nhiều người khác đi du lịch ở Ấn Độ. Tại sao Ấn Độ không có một tiêu chuẩn tốt cho phòng khách sạn với mức giá phải chăng?”



4 năm sau, ở tuổi 21, Agarwal đã trở thành nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Oyo Rooms, một mạng lưới gồm 1.000 khách sạn hoạt động ở 35 thành phố trên khắp Ấn Độ, với tổng doanh thu khoảng 3,5 triệu USD mỗi tháng và 1.000 nhân viên.



Phương thức hoạt động của Oyo Rooms là hợp tác với các khách sạn không có thương hiệu để cải thiện chất lượng phòng, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu cho khách sạn này bằng tên Oyo, và hưởng phần trăm doanh thu của các khách sạn tham gia mạng lưới.



Đổi lại, chủ sở hữu của khách sạn được hưởng lợi từ tỷ lệ đặt phòng cao hơn nhờ thương hiệu Oyo.



Trong quá trình phát triển công ty, Agarwal còn phát triển một ứng dụng mà khách có thể dùng để đặt phòng, được chỉ dẫn đường đi tới khách sạn, và khi đến nơi có thể dùng ứng dụng này để gọi các dịch vụ trong khách sạn.



Oyo Rooms đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, nhưng Agarwal cho biết những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Hầu như không ai tin đây có thể trở thành một mô hình kinh doanh trong tương lai”, vị doanh nhân trẻ nhớ lại. Thậm chí, nhiều người cho rằng Agarwal bị “điên”.



Tuy nhiên, ý tưởng của Agarwal đã giúp anh nhận được tài trợ của Thiel Fellowship, một chương trình do Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal và nhà đầu tư vào mạng xã hội Facebook, tài trợ. Mỗi năm, chương trình này tài trợ cho 20 thanh niên nghỉ học và thay vào đó bắt tay vào kinh doanh.



Agarwal đã dùng tiền tài trợ từ chương trình này để bắt đầu kinh doanh. Oyo Rooms ra đời vào tháng 6/2013 với số vốn chỉ 900 USD mỗi tháng, ban đầu chỉ hợp tác với một khách sạn duy nhất ở Gurgaon gần New Delhi.



“Tôi vừa làm quản lý, kỹ sư, kiêm luôn cả lễ tân trong khách sạn này, và còn phát đồ cho các phòng nữa”, Agarwal nhớ lại. “Hàng đêm, tôi lại viết phần mềm ứng dụng và cải thiện website của công ty. Cùng với đó, tôi xây dựng nhóm của mình vì tôi biết điều muốn phát triển”.



Tuy vậy, cách duy nhất để Agarwal có thể thuyết phục các nhà đầu tư về ý tưởng của mình là cho họ thấy các khách sạn bình dân ở Ấn Độ có chất lượng tệ đến mức nào.



“Tôi đưa nhà đầu tư đầu tiên của chúng tôi tới khách sạn mà chúng tôi đã nâng cấp và những khách sạn khác chưa được nâng cấp. Ông ấy bị chúng tôi thuyết phục và tin tưởng vào việc đầu tư vào một công ty có thể tạo ra sự khác biệt”, Agarwal nhớ lại.



Giờ đây, khi công ty đã phát triển mạnh, việc thu hút vốn đầu tư trở nên dễ dàng hơn nhiều. Mới đây, Oyo Rooms được công ty Softbank của Nhật Bản nhất trí rót cho 100 triệu USD.



Hành trình của Agarwal từ một sinh viên bỏ học tới lúc trở thành ông chủ doanh nghiệp nghe qua có vẻ bằng phẳng. Tuy vậy, anh cho biết mở công ty năm 17 tuổi là điều không hề dễ dàng, bởi những điều hết sức bình thường như mở tài khoản ngân hàng hay thuê nhân viên ở tuổi đó cũng là việc khó. Thậm chí, có nhiều người còn tìm cách lợi dụng sự non nớt của anh.



Agarwal có luôn có tham vọng lớn từ khi còn nhỏ tuổi. Anh lớn lên ở Rayagada, một thị trấn nhỏ ở bang Orissa miền Đông Ấn Độ, và bắt đầu lập trình từ năm 8 tuổi. Năm 13 tuổi, anh đã bắt đầu giúp một số người trong thị trấn thiết kế website. Năm 17 tuổi, anh viết một cuốn sách về các trường kỹ thuật ở Ấn Độ nhằm giúp các sinh viên chọn đúng trường, đúng chương trình học cho phù hợp.



Giờ đây, một mục tiêu của Agarwal là mở rộng công ty ra nước ngoài. Anh hy vọng sẽ tạo ra được mạng lưới khách sạn lớn nhất thế giới. Tuy vậy, Agarwal thừa nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng, bởi việc chiêu mộ được đúng người khi công ty đang phát triển quá nhanh là một vấn đề khó.



Trọng tâm của Agarwal vào thời điểm này là cải thiện chất lượng dịch vụ của các khách sạn hiện có dựa trên phản hồi của khác hàng, và anh tiếp tục lạc quan về mở rộng công ty tại thị trường trong nước. Theo Agarwal, việc điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng phổ biến và độ phủ sóng Internet ngày càng rộng ở Ấn Độ cũng tạo ra tiềm năng lớn cho Oyo Rooms.



Với những người muốn có được thành công như Agarwal, lời khuyên của vị doanh nhân trẻ này là “hãy bắt đầu sớm”.



“Hãy khởi động nhanh chóng và nếu thất bại, bạn sẽ học được bài học và cơ hội thành công trong lần tiếp theo sẽ tăng lên”, Agarwal nói.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Doanh nghiệp “sợ” văn bản dưới luật

20:26 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Có tới 94% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tích cực sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan. Đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá rất cao hệ thống thông quan điện tử VNACCS, hệ thống cung cấp thông tin và cơ chế tham vấn hải quan - doanh nghiệp.


Đó là thông tin từ ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG (Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diên) tại buổi công bố kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Luật Hải quan 2014 sau 9 tháng thi hành, tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra “sợ” văn bản dưới luật. 

Như Thông tư 38/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Hải quan quá dài với 215 trang và còn kèm thêm phụ lục dài 96 trang để giải thích thêm. Thông tư 38 vừa ban hành đã có hiệu lực ngay nên doanh nghiệp không kịp “trở tay”...

Trong Thông tư 38 này có một số quy định khó hiểu, khó thực hiện như quy định về Báo cáo quyết toán hợp đồng gia công...Riêng quy định về thủ tục miễn thuế, không thu/hoàn thuế thì rườm rà, tốn nhiều giấy mực khi chiếm tới 25% trong tổng số 215 trang của Thông tư. 

Ngoài ra, có một số quy định trong Luật Hải quan đã bộc lộ sự bất hợp lý. 

Cụ thể như quy định nộp thuế trước khi thông quan hàng hoá. Trong trường hợp doanh nghiệp nhập hàng từ Thái Lan và hàng về trước khi C/O về và do quy định phải nộp thuế trước thông quan khiến doanh ngiệp không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt vì tại thời điểm làm thủ tục hải quan doanh nghiệp chưa thể có C/O.

Xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất và có ít cải tiến nhất hiện nay. 

Trong khi thủ tục khai báo hải quan đã căn bản được điện tử hoá thì thủ tục này vẫn làm thủ công. Trong khi thủ tục kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hoá đã áp dụng quản lý rủi ro, chỉ kiểm tra hàng mẫu thì thủ tục này vẫn đang áp dụng với tất cả các lô hàng...

Giữa các đơn vị hải quan khác nhau cũng áp dụng pháp luật khác nhau, như việc đưa hàng về bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành có đơn vị hải quan cho phép, có đơn vị không cho phép nên doanh nghiệp không biết đâu là đúng, là sai?.

Mã số hàng hoá mỗi nơi mỗi khác, có trường hợp đơn vị Hải quan khi làm thủ tục thông quan áp mã có thuế suất 5% nhưng theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích - Phân loại hàng hóa thì mã thuế suất là 0% và đến khi kiểm tra sau thông quan chính mặt hàng này lại áp mã có thuế suất 9%, ông Bình nhấn mạnh.

Điểm vướng nhất trong thông quan hàng hóa vẫn là công tác kiểm tra chuyên ngành, ông Bình cho biết thêm. 

Với câu hỏi về so sánh mức độ đơn giản của thủ tục kiểm tra chuyên ngành thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2015 so với trước 2015 (trước khi Luật Hải quan 2014 có hiệu lực), có tới 63,2% doanh nghiệp cho rằng thủ tục kiểm dịch không đơn giản hơn trước 2015, 62,9% doanh nghiệp cho rằng thủ tục kiểm tra chất lượng không đơn giản hơn trước 2015 và 72,7% doanh nghiệp cho biết thủ tục không đơn giản hơn hoặc phức tạp hơn trước 2015...

Về thời gian hoàn thanh thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 78,6% doanh nghiệp  không nhanh hơn trước năm 2015, 90,9% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra chất lượng không nhanh hơn trước năm 2015 và có tới 81,8% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra an toàn thực phẩm không nhanh hơn trước năm 2015.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Phá sản, vũ khí bí mật của kinh tế Mỹ

20:23 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Khi nghe từ “phá sản”, cảm nhận đầu tiên đối với hầu như tất cả mọi người là điều gì đó tiêu cực. Tuy vậy, ở Mỹ, đối với nhiều chủ doanh nghiệp, phá sản là cơ hội quý báu để họ thoát khỏi thế bế tắc và làm lại từ đầu.


Trang Planet Money mới đây đã có một bài viết chứng minh tính hiệu quả của việc tuyên bố phá sản đối với một doanh nghiệp gặp khó ở Mỹ.

Queen City Appliances là một công ty thiết bị gia dụng ở Charlotte, bang North Carolina. Sau khi bong bóng bất động sản ở Mỹ vỡ tung vào năm 2009, thị trường đồ gia dụng lao dốc theo, buộc Queen City phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ sau 60 năm hoạt động.

Chương 11 luật phá sản Mỹ là con đường cho phép một doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu.

Theo nhận định của Planet Money, quy định về phá sản là một điều rất đúng đắn mà nước Mỹ có được.

“Ở đất nước này, chúng ta thực sự ‘giỏi’ về phá sản, và đây có lẽ đúng là một trong những vũ khí bí mật của nền kinh tế chúng ta”, trang này viết.

Trên thực tế, Planet Money chỉ ra rằng, Chương 11 hiệu quả về mặt kinh tế đến nỗi các nước châu Âu đã áp dụng quy định tương tự trong những năm gần đây.

Nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 đồng nghĩa với việc một doanh nghiệp lẽ ra bị mắc kẹt vì nợ nần có thể trả cho chủ nợ số tiền ít hơn khoản nợ ban đầu, trong một khoảng thời gian dài hơn. Về phần mình, các chủ nợ có cơ hội tốt hơn đòi được nợ, hoặc có thể sẽ nhận được số tiền lớn hơn trong trường hợp công ty bị thanh lý. Nói cách khác, Chương 11 giúp đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, quy trình phá sản không hề là một con đường bằng phẳng và dễ dàng. Đây chỉ là một cơ hội để công ty phá sản có thêm vài năm để hoạt động trong khi khối nợ vẫn treo đó. Kế hoạch tái cơ cấu của doanh nghiệp đó phải được tòa án phá sản và các chủ nợ phê chuẩn. Trên thực tế, doanh nghiệp phải kết hợp với một ủy ban gồm các chủ nợ lớn nhất của mình để lập ra kế hoạch tái cơ cấu này.

Một khi kế hoạch được phê chuẩn, nhiều giao dịch kinh doanh hàng ngày trước kia cũng đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của tòa án. Chẳng hạn, trong quá trình tái cơ cấu, Queen City phải xin phép tòa án đối với cả việc đổ xăng cho xe tải giao hàng. Ngoài ra, công ty này phải sa thải hàng trăm nhân viên và đóng cửa 13 trong tổng số 17 cửa hàng.

Mặc dù vậy, sau một năm rưỡi tái cơ cấu đầy chông gai, Queen City cuối cùng cũng đã thoát phá sản.

Dĩ nhiên, Chương 11 không phải là một “cây đũa thần” và nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 không thể đủ để giữ tất cả các doanh nghiệp gặp khó có thể tiếp tục tồn tại. Vào năm 2011, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers với khoản nợ 613 tỷ USD đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, và vĩnh viễn không bao giờ còn tồn tại nữa. 

Dĩ nhiên, hàng năm có rất nhiều công ty Mỹ với số nợ nhỏ hơn nhiều so với nợ của Lehman đổ vỡ mỗi năm.

Theo số liệu của Viện Phá sản Mỹ, năm 2014 có 34.455 doanh nghiệp nước này nộp đơn bảo hộ phá sản, giảm 22% so với 44.083 doanh nghiệp vào năm 2013. Trong đó, có 5.172 doanh nghiệp xin phá sản theo Chương 11.

Ngoài ra, phá sản có thể bị nhìn nhận như một cách để né tránh việc trả nợ thay vì là con đường cuối cùng để tồn tại. Chẳng hạn, khi ca sỹ nhạc rap 50 Cent nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, một chủ nợ của ca sỹ này cho rằng 50 Cent chỉ muốn tìm cách quỵt nợ.


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…

Thuế tài nguyên: Tận thu cho ngân sách?

20:23 | Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Hôm 8/9, tại hội thảo góp ý về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt với các mức thuế tăng lên gần mức trần với nhiều khoáng sản (trung bình tăng 2-3%), và cho rằng, đó là chính sách tận thu cho ngân sách.


Tăng nhanh qua các năm

Theo đề xuất của Bộ Tài chính và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016 với một số khoáng sản kim loại tăng thêm 2% như: đồng (từ 13 lên 15%); bạc, thiếc (từ 10-12%)…

Măng gan tăng 3% (từ 11-14%). Các khoáng sản khác tăng từ 10-15% như chì, kẽm. 

Các khoáng sản không phải kim loại cũng tăng mạnh: cát tăng từ 11 lên 15%; grannit, đất làm gạch đều tăng từ 10-15%; đá hoa trắng tăng từ 9-15%; than tăng từ 7 lên 10% với than antraxit hầm lò, khai tác và tăng từ 9-12% với than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ.

Thuế suất với nhóm nước thiên nhiên như cho sản xuất điện tăng từ 4% lên 5%; nước khoáng thiên nhiên, nước lọc đóng chai, hộp… tăng từ 8-10%. Còn từ 1/1/2017, thuế suất với các loại khoáng sản chủ yếu tăng thêm 2% nữa: sắt, titan, vàng, vonfram, antimoan…

Số thu thuế tài nguyên đã tăng nhanh qua các năm: năm 2011, tổng số thuế tài nguyên thu được đã đạt 39.299 tỉ đồng; năm 2012 đạt 41.312 tỉ đồng; năm 2013 giảm còn 37.875 tỉ đồng; năm 2014 đạt 38.048 tỉ đồng (chiếm 4,4% tổng thu ngân sách Nhà nước).

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, việc tăng thuế tài nguyên nhằm tăng cường quản lý khoáng sản, cân bằng số thu ngân sách do thuế xuất nhập khẩu khoáng sản ngày càng giảm.

“Việt Nam đã và đang ký kết 10 hiệp định thương mại tự do như hiệp định với ASEAN sẽ giảm 98% dòng thuế và 0% năm 2018, nên phải tăng thuế nội địa thay cho thuế xuất nhập khẩu”, ông Thi nói rõ.

Thuộc diện “cao nhất thế giới”

Tuy nhiên, những dự kiến thay đổi mức thuế suất trên cũng đã gây phản ứng mạnh từ khối doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, việc tăng thuế đợt này chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, và kích thích khai thác trái phép.

Ông Evan Spenser, Tổng giám đốc Công ty TNHH mỏ Niken Bản Phúc cho biết công ty này đã đầu tư 130 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2007, năm 2014 đã bắt đầu khai thác, ra lò nhưng đến nay đã lỗ 35 triệu USD do giá khoáng sản giảm mạnh và chính sách thuế, phí của Việt Nam vào khoáng sản tăng quá nhanh. 

“Từ năm 2007, khi bắt đầu đầu tư và đến nay thì thuế của Việt Nam với khoáng sản đã tăng 230%. Các loại chi phí như: tiền điện, phí bảo vệ môi trường…đều tăng, tác động mạnh dến chúng tôi. Đề nghị Bộ Tài chính xem lại mức thuế suất. Chứ tăng mãi thế này thì đó lại là “hình phạt” cho công ty đứng đắn, bảo vệ cho các hoạt động khai thác lậu”, ông này nói.  

Theo ông Evan Spenser, nhiều đối tác, nhà đầu tư khai thác mỏ quen biết với ông đã tới Việt Nam nhưng nhìn thấy chính sách thuế, phí… đã sợ và rút lui. “Khai thác, chế biến khoáng sản đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, những thay đổi thuế như ở Việt Nam là cực lớn, khiến nhà đầu tư không có vốn vận hành không thể mở rộng mỏ, phát triển chế biến sâu”, ông này nói.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, đại diện Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, chính sách thuế, phí với khoáng sản ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ở mức thuộc diện “cao nhất thế giới”.

“Trong các thuế, phí, có những khoản thực chất là trùng lắp như tiền cấp quyền khai thác, cũng lên đến 2% tổng doanh thu nhưng nó không khác gì thuế tài nguyên do mục đích, tính chất thu giống nhau nên việc tăng thuế tài nguyên lần này, càng khiến mức thuế nên chót vót, khó doanh nghiệp nào chịu được”, ông Nam nói. 

Theo ông này, việc tăng thuế tài nguyên chỉ giúp tăng thu trước mắt còn về lâu dài, thu ngân sách sẽ giảm vì doanh nghiệp thua lỗ, sẽ không có thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp còn tồn tại sẽ chỉ khai thác phần có giá trị cao, thuận lợi chứ không khuyến khích họ khai thác tối đa tài nguyên vì ngày nay, khai thác mỏ ngày càng khó khăn”, ông Nam cảnh báo.

Bà Vũ Hương, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, về lâu dài, có thể cần phải tăng thuế, nhưng Bộ Tài chính cần phải điều chỉnh theo từng bước để không gây bất ổn môi trường đầu tư. 

“Theo tôi, ngành thuế cần có lộ trình dài hạn hơn. Tăng như hiện tại là quá nhanh, thể hiện chính sách không ổn định”, bà Hương nói. 

Bà Trần Thị Như Trang, đại diện cho Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông nói rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng khó khăn, việc tăng thêm thuế tài nguyên lần này sẽ như “giọt nước tràn ly”.

“Chúng tôi có một mỏ, 3 nhà máy, thì hiện nay chỉ còn một nhà máy hoạt động, có 900 công nhân thì 450 công nhân đã phải cho nghỉ việc và gia đình họ đang sống rất khó khăn. Đề nghị nếu có tăng thuế cũng nên có lộ trình ít nhất 5 năm, chúng tôi còn biết trước”, bà Trang nói. 

Cần cái nhìn toàn cục

Một số chuyên gia quốc tế tại hội thảo cũng cho rằng, Bộ Tài chính nên thận trọng hơn với đề xuất điều chỉnh thuế lần này.

Bà Clare ALain, Trưởng ban Hợp tác phát triển quốc tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam  nói: “Tôi hiểu là Việt Nam đang chịu những gánh nặng ngày càng lớn hơn về ngân sách khi tham gia ký FTA với EU, Hàn Quốc… sắp tới là TPP. Nhưng cũng cần nhìn bối cảnh toàn diện hơn, rà soát lại chi tiêu công để tính toán kỹ hơn, trước khi quyết định tăng thuế”.

Ông Taylor Robbie, Phó đại sứ Newzeland tại Việt Nam nói, những chính sách thuế tăng đột ngột như vậy có thể khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên rủi ro, không dự báo được.

Bà Trần Thanh Thủy, đại diện cho Pan Nature cho biết, tổ chức này đã nghiên cứu, so sánh chính sách thuế khoáng sản của Việt Nam với 12 quốc gia, và đánh giá Việt Nam là nước có nhiều khoản thu nhất và thuế suất cao nhất.

 “Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy, hiệu quả thu ngân sách ở Việt Nam rất hạn chế. Nhiều địa phương có hàng trăm giấy phép còn hiệu lực nhưng một năm chỉ thu được vài tỉ đồng. Thay vì tăng thuế suất, Bộ Tài chính nên đánh giá lại  để đưa ra chính sách phù hợp”, bà nói.

Trả lời các ý kiến trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, ngành khai khoáng là ngành đầu tư cao, lợi nhuận lớn nên rủi ro cũng lớn. Chính sách thuế với ngành khai khoáng, theo ông vẫn là ổn định vì chưa vượt quá khung thuế do Quốc hội đã thông qua.

“Khi xây dựng phương án thuế tài nguyên, Quốc hội đã có sự cân đối rồi và giao cho Thường vụ xây dựng mức điều hành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để về tổng hợp, phân tích, đưa ra quy định hài hòa lợi ích cho các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Thi nhấn mạnh. 


Sưu tầm bởi Wlike.vn
Read more…
Trang 1 / 11812345...118»