Mất hàng tỷ đồng khi kinh doanh 'siêu' sim
Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015
Dưới đây là bài học kinh doanh về siêu sim của anh Nguyễn Đình Tuấn ở
Nam Đinh, người có cả chục năm trong lĩnh vực sim số đẹp chia sẻ với
độc giả VnExpress.net.
Tôi mê sim số đẹp ngay từ thời điểm chúng bắt đầu ra đời tại Việt
Nam, khi mà mọi người chỉ chú trọng điện thoại và chưa có khái niệm về
“lục quý, từ quý, ngũ quý hay lộc phát, thần tài”. Lúc ấy giá trị của
sim số đẹp cũng chưa chênh lệch nhiều so với sim thông thường. Đến 2004 –
2005, tôi quyết định chi hơn 2 chỉ vàng để mua sim có đuôi 5555.
Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh của bạn tại đây hoặc tới email: kinhdoanh@vnexpress.net
Niềm đam mê đó lớn dần khi hàng ngày tôi mua báo Mua & Bán để tìm
hiểu thêm rồi quyết định đầu tư, và coi đây như một ngành kinh doanh
mới. Năm 2008, tôi chính thức “bén duyên” với nghề kinh doanh sim số
đẹp.
Tôi bắt đầu những chuyến đi xa, mở rộng mối quan hệ trong xã hội và
bạo tay mua những sim có giá trị cao lên tới vài chục, vài trăm triệu
trong giai đoạn 2009 – 2010. May mắn mỉm cười khi người dùng điện thoại
di động bắt đầu cảm nhận được cái đẹp của sim số và rồi không ngại chi
để sắm cho mình số đẹp. Chính điều đó thúc đẩy phong trào sim số phát
triển.
Thời điểm đó, những dòng sim “hot” nhất là 6789-56789-tam hoa kép và
tứ, ngũ, lục quý. Giá sim theo đó đã tăng lên 200-300% so với năm 2005 –
2006. Riêng các loại sim tứ quý 8-9 có giá trị dưới 20 triệu đồng đã
tăng dần theo thời gian nên giới kinh doanh sim số đẹp ít khi bị lỗ. Đến
2010 – 2011 đây là thời điểm cực thịnh của các sim “VIP”, giá trị của
dòng tứ quý 8 – 9 bắt đầu có giá 40 – 60 triệu đồng, còn các siêu sim có
giá hàng tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời kỳ đầu. Do vậy, thời điểm
2009 -2011 tôi kinh doanh khá thành công, mỗi tháng kiếm lợi nhuận không
dưới 50 triệu đồng.
Nghề kinh doanh sim số đẹp đòi hỏi phải có vốn lớn và bạo chi. Ảnh: MH.
Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng nghề này thật sự khó khăn nếu không có
vốn lớn, không chịu “lăn xả” để săn sim số đẹp và săn khách hàng. Đặc
biệt nếu định giá sai, có thể bị lỗ. Việc kinh doanh sim số ngày càng
khó khăn hơn khi kinh tế chung gặp nhiều thách thức. Cơn bão khủng hoảng
kinh tế từ 2012 ập tới kéo theo nhiều ngành nghề kinh doanh đi xuống,
trong đó có cả nghề buôn sim, vốn được coi là phân khúc phục vụ thú chơi
cho những người có tiền.
Sức mua giảm, giá sim tụt dốc thê thảm, chỉ trong vài tháng đã giảm
20-40% mà vẫn không có người mua. Hàng tỷ đồng tiền sim trong tay không
bán được để rồi hàng tháng vẫn phải xoay sở trả tiền lãi vay ngân hàng
18% một năm, cộng thêm cả những khoản vay khác bên ngoài với lãi suất
100%. Với suy nghĩ thị trường đóng băng rồi sẽ ấm lại, nhưng không ngờ
thực tế vẫn cứ ảm đạm để rồi tôi tiếp tục phải nuôi khối tài sản đó với
hy vọng sẽ gỡ hòa vốn.
Chính những lúc khó khăn thế này thì anh em buôn bán cùng nghề lại
lừa lọc nhau. Có những khoản vay lên đến hàng trăm triệu không một lời
hồi âm. Thêm đó, các nhà mạng thắt chặt hơn để rồi có những lúc nhìn
thấy hàng chục sim đẹp bị thu hồi do sơ xuất không kiểm tra thời hạn và
không dùng đến một thời gian.
Khi cơn bão kinh tế đi qua thì cũng là lúc tôi hoàn toàn trắng tay và
giật mình khi biết đã mất hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, có những bài học
phải trả giá quá đắt nhưng lại giúp cho tôi trưởng thành hơn và tích lũy
thêm được kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Một sai lầm mà tôi nhớ mãi ở thời điểm đó là quá tin người nên bị mất oan gần 500 triệu đồng chỉ vì mê sim lục quý.
Theo quy định của nhà mạng, một người chỉ đứng tên được 3 số mà lúc
ấy tôi đã hết hạn mức nên nhờ đứa em đứng tên (người này là thợ sim và
thân thiết đã 2 năm). Thế nhưng, vì bài bạc vỡ nợ, thay vì trả lại sim
cho tôi thì cậu em đã bán cho người khác để lấy tiền. Xét về pháp lý tôi
hoàn toàn không phải là người đứng tên nên không thể nào lấy lại được
sim đó và đành mất trắng. Tôi vô cùng thất vọng nên đi tìm đứa em đó để
đòi lại tiền. Nhưng khi biết cậu ta sống chui lủi và bán hết nhà cửa để
trả nợ thì tôi coi như cho qua mọi chuyện, xem như “của đi thay người”.
Tới nay, tình hình kinh doanh sim số đẹp không còn phát triển mạnh
như trước nhưng nhờ đam mê và yêu nghề nên tôi vẫn vực lại được, dù sức
hút không còn như giai đoạn đầu. Biết là vẫn còn những khó khăn đang chờ
trước mắt, cũng như những nguy cơ bùng nổ bong bóng trong kinh doanh,
nhưng tôi vẫn thích mạo hiểm và tự nhủ sẽ luôn cố gắng hơn nữa.
Qua quá trình kinh doanh trên, tôi rút ra kinh nghiệm cho bản thân
cũng như muốn chia sẻ với mọi người là trong kinh doanh thất bại và
thành công luôn song hành. Riêng với kinh doanh sim số đẹp thì nên biết
cách định giá sim để tránh bị “hớ”, đồng thời, không nên chôn vốn quá
nhiều, bởi, thị trường này luôn biến động thất thường. Nếu bạn định giá
và mua sim quá cao, nhưng đến thời điểm bán mà sản phẩm đó hết sức hút
thì không những bị lỗ mà nguy cơ vốn chết rất lớn. Lúc ấy, dòng tiền khó
xoay vòng.
Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý sim, cần để ý đến hạn sử dụng và
cước phát sinh hàng tháng. Nếu chểnh mảng, nhà mạng sẽ thu hồi lại sim
và chuyện mất trắng xảy ra là đương nhiên.
Ngoài ra, để nắm chắc sản phẩm trong tay, người đầu tư nên tự mình
đàm phán và cùng khách hàng sang nhượng trực tiếp. Tránh nhờ người khác
đứng tên, vì có thể sẽ mất tiền oan nếu người đó thiếu minh bạch.
Điều quan trọng cuối cùng mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn là muốn
“sống” lâu với nghề này thì ngoài có vốn lớn, cần có đam mê. Đặc biệt,
trong kinh doanh muốn thành công thì phải chấp nhận sự mạo hiểm, dám
nghĩ dám làm và dám bứt phá. Vì nếu các bạn cứ đi theo lối mòn an toàn
như bao người khác thì cơ hội thành công sẽ rất ít.
Theo kenh13.vn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét