
Doanh nghiệp khai khoáng “kêu trời” vì lỗ và thuế lại “đòi” tăng
Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015
Thuế đã cao, lại cứ đòi tăng mãi?
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về
biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo đó, thuế suất các khoáng sản
tài nguyên hầu hết đều được điều chỉnh tăng lên.
Cụ thể, khoáng sản là kim loại như sắt sẽ tăng từ 12% lên 14%; titan
từ 16% đến 18%, vàng từ 15% lên 17%, chì và kẽm từ 10% lên 15%…
Khoáng sản không phải kim loại như đá hoa trắng sẽ tăng thuế suất từ
9% lên 15% (mức kịch trần); cát từ 11% lên mức 15%, cát làm thủy tinh từ
13% lên 15%; đất làm gạch từ 10% lên 15%, granite từ 10% lên 15%; than
từ 7% lên 10%…
Riêng nhôm, bô xít được đề nghị giữ nguyên mức thuế suất là
12% với lý do dự án tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án
alumin Nhân Cơ, Đắk Nông đang lỗ và chỉ có lãi từ các năm 2018 và
2021.
Theo Bộ Tài chính, với việc điều chỉnh như trên, số thu thuế tài
nguyên sẽ tăng khoảng 3.171 tỷ đồng so với số thu năm 2014. Tổng số thu
thuế tài nguyên năm 2013 là 37.875 tỷ đồng; năm 2014 là 38.048 tỷ đồng .
Tuy nhiên, dự thảo trên đã vấp phải không ít ý kiến phản đối gay gắt từ phía các doanh nghiệp khoáng sản.
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về biểu mức thuế suất thuế tài
nguyên do VCCI tổ chức ngày 8/9, nhiều doạnh nghiệp than khó khăn vì lỗ
trong khi thuế “tăng mãi không ngừng”.
Các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam là nước có khung thuế suất tài
nguyên cao trên thế giới. Như Trung Quốc, nước khai thác khoáng sản hàng
đầu thế giới nhưng có mức thuế suất khoáng sản chỉ từ 5-10%, Austrailia
áp dụng thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại cũng chỉ từ 1,6 –
7,5%…
Nhiều hệ lụy khi thuế tăng?
Tại hội thảo, ông Evan Spenser, Tổng giám đốc Công ty mỏ Nickel
Bản Phúc cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư vào Việt Nam từ năm
2007, và đến năm 2014 thì khai thác được lô sản phẩm đầu tiên.
Tuy nhiên, do thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
đều đã tăng cao nên tổng số thuế mà công ty phải nộp đã tăng thêm hơn
70 triệu USD so với tính toán ban đầu.
Ông Evan Spenser cho biết công ty đã lỗ 35 triệu USD do giá thay đổi và chính sách thuế thay đổi.
Còn theo ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế
biến khoáng sản Núi Pháo, gánh nặng chi phí thuế của doanh nghiệp đã
chiếm tới 30% tổng chi phí của các hoạt động trực tiếp. Trong đó hơn 50%
là chi phí thuế tài nguyên
Ông Hồng lo ngại, việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí
khai thác khoáng sản, khiến doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác phần
quặng giàu, bỏ quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên…
PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và công nghệ Mỏ Việt Nam cũng
cho rằng khi chính sách thuế, phí đối với khoáng sản ngày càng tăng cao,
hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp bị giảm sút sẽ khiến họ dùng nhiều
biện pháp tận thu tối đa nhưng lại gây bất lợi cho hoạt động khai thác
chung.
Do vậy, ông Nam kiến nghị, chính sách thuế, phí hiện hành đối với
khai thác khoáng sản không nên theo tư duy “tham đĩa, bỏ mâm”, chỉ vì
tăng thu thêm một khoản cho ngân sách mà tổn thất tài nguyên khoáng sản.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại VCCI đồng
tình trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ gây
nhiều bất lợi cho doanh nghiệp.
Nếu thuế tăng cao không hợp lý sẽ chỉ khuyến khích doanh nghiệp có xu
hướng gian lận, gây tổn hại cho môi trường và xã hội. Ngược lại, nếu
chính sách thuế hợp lý sẽ đảm bảo doanh nghiệp khai thác hiệu quả, bảo
vệ môi trường và đóng góp lớn cho ngân sách, ông Lộc nói.
Theo kenh13.vn
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét