Cần giảm theo thế giới
Sau khi tăng mạnh vào tuần trước, giá dầu thế giới hôm đầu tuần
(31.8) lại đi xuống. Giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) của Mỹ giao tháng
10 giảm 78 xu, xuống 44,44 USD/thùng. Giá dầu Brent trên thị trường
London (Anh) cùng kỳ cũng giảm gần 1 USD, xuống 49,07 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu thô thế giới liên tiếp có những phiên tăng mạnh.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ có lúc lên mức 45,22 USD/thùng. Tính cả tuần
qua, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 12%, mức tăng theo tuần cao nhất tính
từ tháng 2.2009. Giá dầu Brent trên thị trường London cũng tăng lên mức
50,05 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 10% trong tuần.
Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 8 đến nay, cả giá dầu thô trên thị
trường Mỹ và giá dầu Brent trên thị trường London vẫn giảm khoảng 4%.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu khó có thể tăng mạnh trở lại,
thậm chí sẽ còn giảm cho đến cuối năm 2015 do sản lượng dầu mỏ khai thác
của các nước vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm trong khi nguồn
cung yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu khó có thể tăng mạnh trở lại, thậm chí sẽ còn giảm cho đến cuối năm 2015 (Ảnh minh họa)
Ngay sau khi giá xăng dầu trong nước giảm gần 800 đồng/lít hôm 19.8 vừa qua, giá dầu thô và giá xăng dầu
thành phẩm thế giới đã tiếp tục giảm mạnh, có lúc rơi xuống mốc dưới
38-39 USD/thùng (dầu thô). Đây được cho là thời điểm giá dầu thô có mức
thấp kỷ lục, khiến cho giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu về Việt Nam có thời điểm chỉ ở mức hơn 8.000 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng phân tích: Nếu theo đúng diễn biến
của giá thế giới thì kỳ điều hành tới (dự kiến ngày 3 hoặc 4.9 - cách 15
ngày kỳ điều hành trước), giá xăng dầu trong nước vẫn phải theo hướng
giảm. Tuy nhiên, với mức tăng trở lại của giá dầu thế giới tuần trước,
nhiều khả năng việc điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu trong nước kỳ tới
của các cơ quan quản lý sẽ được cân nhắc trở lại.
“Tôi cho rằng, người tiêu dùng đang mong đợi quyết định giảm giá tiếp
mặt hàng xăng dầu từ các cơ quan chức năng. Bởi mức giảm của giá xăng
dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn chưa tương xứng với mức biến động
của xăng dầu thế giới trong cùng thời gian. Cụ thể, tính từ đợt điều
chỉnh đầu tiên trong năm vào ngày 6.1 (thời điểm giá dầu ở mức 47
USD/thùng) đến nay, giá bán lẻ xăng A92 (18.536 đồng/lít) tính ra vẫn
tăng khoảng 19%”, ông Thắng nói.
Không “ưu ái” doanh nghiệp xăng dầu?
Tại thời điểm ngày 18.8 (thời điểm tính giá cơ sở để giảm giá xăng
dầu theo chu kỳ 15 ngày), giá nhập khẩu xăng A92 về Việt Nam khoảng
9.000 đồng/lít, tuy nhiên giá bán lẻ của mặt hàng này trong nước vẫn lên
tới 18.536 đồng/lít.
“Các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang được cho là lãi lớn với việc kinh
doanh xăng dầu (như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có lợi nhuận sau thuế
quý II/2015 lên tới 1.125 tỷ đồng), trong khi người tiêu dùng cảm thấy
thiệt vì giá xăng dầu giảm ít và chưa phù hợp với biến động của thị
trường thế giới”, ông Phạm Tất Thắng nói.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý
giá (Bộ Tài chính) mới đây đã phân trần rằng, các doanh nghiệp kinh
doanh xăng dầu không hề nhận được “ưu ái” để lãi lớn. Ông Tuấn cho rằng,
quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050
đồng/lít với xăng) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg đã
được Liên Bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh
nghiệp đã thu thập được.
“Liên Bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào,
mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu
cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh”, ông Tuấn giải
thích.
“Theo quy định, hằng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm kiểm
toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh và rà soát, tổng hợp, báo cáo
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân
đầu mối, Liên Bộ sẽ tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế (nếu
cần thiết) để có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát sinh tại các
doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định.
Về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300
đồng/lít,kg), theo Bộ Tài chính, đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp
duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh
với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức
như vậy “không phải là lớn”.
Cụ thể: nếu so sánh 300 đồng/lít,kg tính trên giá bán xăng dầu hiện
nay (18.530 đồng/lít xăng RON 92) thì tỷ suất lợi nhuận đạt 1,62%. Có
thời điểm giá xăng dầu cao thì tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,45%, thấp hơn
nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng tại các thời điểm tương ứng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, không phải bất cứ
thời điểm nào doanh nghiệp cũng được lợi nhuận 300 đồng/lít,kg, thực tế
có những thời điểm Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ với người
tiêu dùng, không tính hoặc không tính đầy đủ 300 đồng/lít,kg (thời điểm
Quý I/2014).
Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá xăng dầu từ 15 giờ ngày
19.8.2015 tiếp tục giảm đồng loạt. Giá xăng RON 92 và xăng E5 đều giảm
768 đồng/lít; các mặt hàng dầu giảm từ 441-736 đồng/lít, kg. Như vậy,
giá xăng RON 92 tiếp tục giảm xuống mốc mới là 18.536 đồng/lít; xăng E5
là 18.041 đồng/lít, dầu hỏa là 12.409 đồng/lít, dầu diesel là 13.421
đồng/lít và dầu mazut là 10.136 đồng/kg. Trước đó, từ đầu năm, giá xăng RON 92 đã trải qua 5 lần giảm (tổng cộng 3.620 đồng) và 4 lần tăng (tổng cộng 5.040 đồng). Trong các đợt điều chỉnh nêu trên, mức giá cao nhất được ghi nhận ngày 19.6, khi một lít xăng RON 92 được bán với giá 20.710 đồng/lít. Nếu cộng mức giảm chiều 19.8 thì giá xăng giảm 6 lần, tăng 4 lần, tổng giảm là 4.388 đồng/lít. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét