Vàng lại quay đầu giảm
Sau một tuần biến động khá mạnh, giá vàng hôm nay (31.8) lại quay đầu
giảm. Cụ thể chiều nay, giá mua bán vàng SJC tại Hà Nội được Tập đoàn
DOJI niêm yết ở mức 34,2 – 34,33 triệu đồng/lượng, giảm 100.000
đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng cùng ngày.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá
mua – bán vàng SJC giảm thêm 50.000 đồng/lượng so với sáng nay, hiện
đang ở ngưỡng 34 – 34,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng
tại TP.HCM duy trì ở mức 400.000 đồng/lượng, trong khi tại Hà Nội, mức
chênh được thu hẹp về mức 130.000 đồng/lượng.
Giá vàng giảm đầu tuần không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, khó kỳ vọng về sự tăng
giá mạnh, đột biến của giá vàng trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất
ổn như hiện nay.
“Người dân đã không còn nóng vội đổ xô mua vàng mỗi khi thị trường ngoại hối, chứng khoán
biến động mạnh như trước đây mà họ bắt đầu bình tĩnh “nghiên cứu” thị
trường kỹ càng hơn, nên giá vàng dù tăng lên cuối tuần qua song cũng
giảm xuống rất nhanh ở đầu tuần này”, ông Phong nói.
Giá vàng giảm đầu tuần không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế (Ảnh minh họa)
Cầu yếu, vàng còn giảm?
Đại diện Công ty Kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu hôm nay cũng cho
biết, sức cầu của người mua vàng không có đột biến nào lớn suốt những
ngày qua. Khi cầu yếu thì giá vàng khó có thể tăng lên mạnh. Người dân
cũng cảm thấy nắm giữ và mua bán vàng khá rủi ro trong bối cảnh thị
trường còn biến động khó lường.
Trên thế giới hôm nay, giá vàng giao ngay cũng giảm 0,2% giao dịch
tại 1.131,30 USD/oz. Vàng giao tháng 12 giảm 0,3% xuống còn 1.131,10
USD/oz.
Các chuyên gia nước ngoài còn dự báo, giá vàng khả năng sẽ tiếp tục
chuỗi ngày giảm do quan ngại FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) sẽ tăng lãi
suất trong năm nay bất chấp tình hình bất ổn gần đây trên thị trường.
Trái ngược với giá vàng, tỷ giá VND/USD trong nước lại tăng nhẹ trở
lại. Các ngân hàng hôm nay tăng giá USD cả chiều mua vào và bán ra với
mức tăng 10 đồng/USD, nhưng vẫn cách xa trần tỷ giá. Tại Vietcombank, tỷ
giá được mua bán ở 22.440 - 22.500 đồng/USD. Các ngân hàng khác cũng có
mức giá tương tự.
Tuần trước, USD có 3 phiên tăng giá mạnh vào đầu tuần, giá bán ra
được giữ ở mức trần 22.547 đồng/USD, giá mua vào trên 22.500 đồng/USD.
USD tự do lên mức 22.850 - 22.950 đồng/USD.
Tuy nhiên, 3 ngày cuối tuần, tỷ giá đã hạ mạnh. Giá bán USD tại các
ngân hàng xuống dưới 22.500 đồng/USD trong khi giá mua vào chỉ còn xung
quanh 22.410-22.420 đồng/USD.
Với diễn biến của thị trường vàng, ngoại hối trong nước hiện nay,
các chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định: Người dân có tiền đồng gửi ngân
hàng vẫn là kênh an toàn và hấp dẫn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia về tài chính
ngân hàng tính toán: Trong bối cảnh bây giờ, ví dụ, với mức lãi suất
trung bình của tiền gửi ngân hàng hiện khoảng 6%/năm, lạm phát từ nay
đến cuối năm dự đoán tăng lên 4% thì người gửi tiền vẫn nhận được lãi
thực dương 2-3%/năm.
“Đây là mức chấp nhận được trong khi các kênh đầu tư khác như vàng
khá rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn và nhạy bén
với thông tin”, ông Hiếu nói.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới mới đây, trong quý
II/2015, Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 14,5 tấn vàng, nâng tổng lượng
tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt 33,3 tấn, chưa bằng một nửa của năm
ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng trang sức vẫn tăng khá tốt khi tăng trưởng
đến 22% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, bù đắp lại phần nào việc
sụt giảm đến 12% của nhu cầu vàng miếng trong kỳ. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét