Vàng tuột mốc 34 triệu đồng/lượng
Cụ thể, giá vàng miếng SJC sáng nay được Tập đoàn Vàng bạc đá quý
DOJI giao dịch ở ngưỡng 33,88 - 34,08 triệu đồng/lượng. So với lúc đóng
cửa cuối ngày hôm qua, mỗi lượng vàng giảm 270.000 đồng. Cùng thời điểm
này, giá vàng SJC tại TP.HCM được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm
yết giao dịch ở mức 33,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,20 triệu
đồng/lượng (bán ra), giảm 320.000 đồng/lượng so với chiều ngày 26.8.
Mức chênh lệch mua – bán vàng tại thị trường Hà Nội vẫn duy trì ở mức
200.000 đồng/lượng, trong khi tại TP HCM, mức chênh lệch cũng thu hẹp
còn 500.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm theo đà giảm của vàng trên thị trường thế
giới. Giá vàng thế giới giao tháng 12 đêm qua “bốc hơi” 13,70 USD/oz
xuống còn 1.124,60/oz. Quy đổi theo tỷ giá 22.400 VND/USD, giá vàng thế
giới hiện ở mức 30,70 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước
khoảng 3,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước và thế giới liên tục giảm những ngày qua là do đồng USD và chứng khoán
đã tăng trở lại sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất. Tính đến thời
điểm này, giá vàng thế giới trong tuần đã giảm 2,9%, trái ngược với nhận
định của các nhà phân tích, cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao.
Trái ngược với giá vàng, tỷ giá USD tại các ngân hàng
đến sáng nay vẫn ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD. Giá USD mua vào tại
Vietcombank là 22.500 đồng, Eximbank thấp hơn khi niêm yết ở 22.475
đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD đã giảm từ mức 22.900 đồng/USD
trong hai ngày qua, sáng nay giá bán USD tự do đã được các điểm thu đổi
đưa về mức 22.720-22.780 đồng/USD. Như vậy, từ hôm qua đến nay, tỷ giá
USD thị trường tự do mới giảm được gần 100 đồng.
Sớm chấm dứt găm giữ USD
Chuyên gia kinh tế
Nguyễn Minh Phong cho biết, việc tỷ giá bị đẩy lên kịch trần hiện nay
cùng với các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện
tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ là yếu tố tâm lý. “Không chỉ
người dân, doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng “mua găm” USD để chờ tỷ
giá điều chỉnh tiếp. Yếu tố này khiến cho giá USD hiện nay vẫn “phồng”.
Còn với vàng, người dân và nhà đầu tư có phần thận trọng hơn nên giá chỉ
đột biến tăng lên 1 ngày (sau hôm điều chỉnh tỷ giá lần thứ hai) sau đó
“xẹp” xuống từ đó đến nay” - ông Phong cho biết.
Ông Phong cho rằng, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
khẳng định đã điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam khá lớn và không có lý do
gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa sớm muộn sẽ khiến cho tâm
lý người dân, doanh nghiệp ổn định hơn và tỷ giá bớt “phồng” hơn.
“Tỷ giá và vàng biến động những ngày qua tác động trực tiếp tới lợi
ích, tài sản và túi tiền của mỗi người dân nên yếu tố tâm lý nặng nề là
khó tránh khỏi. Bản thân các ngân hàng cũng “nghĩ” tỷ giá sẽ được tăng
tiếp khiến thị trường bị đẩy giá lên cao, cung cầu USD mất cân đối cục
bộ. Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ không tăng tỷ giá cũng như lãi
suất được cho là minh bạch trong cách điều hành, giúp ổn định thị trường
trở lại. Tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các đơn vị
sớm chấm dứt tình trạng găm giữ USD và đáp ứng nhu cầu mua của doanh
nghiệp” - ông Phong nói.
Gửi tiết kiệm VND vẫn được lãi suất thực dương
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, từ đầu năm đến nay, các
đồng tiền trong khu vực đều giảm giá khá mạnh so với USD. Riêng tiền
đồng của Việt Nam mất giá khoảng gần 30% so với USD nếu so với đầu năm
2008, chỉ thấp hơn mức biến động của Indonesia là 35%.
Tuy nhiên, theo phân tích của vị chuyên gia này, kể từ năm 2011, tiền
đồng được kiểm soát tương đối ổn định. Do vậy, từ năm 2011-2012 đến
nay, việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi và an toàn với người dân. Thời
điểm này, người dân chuyển dịch tiền đồng sang vàng hay USD vẫn có thể
đối mặt với nhiều rủi ro. Nguyên nhân là chênh lệch giá mua vào, bán ra
của vàng, USD là rất lớn; nhất là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá
thế giới tới hàng triệu đồng/lượng. Việc mua bán USD tự do lại bất hợp
pháp, do đó, việc gửi tiền đồng vào ngân hàng với mức lãi suất vẫn ổn
định như hiện tại là kênh sinh lời khá an toàn.
“Hiện đồng tiền giảm giá so với USD nhưng lãi suất tiền gửi không
giảm, do đó người dân đã được cân bằng lợi ích khi nắm giữ tiền đồng.
Với lạm phát tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) bình quân 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước mới
tăng 0,83% thì lãi suất tiền gửi cao vẫn đang hơn rất nhiều so với lạm
phát. Do đó, người dân gửi tiết kiệm vẫn hưởng được lãi suất thực dương”
- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng hiện nay là Ngân
hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều
chỉnh chính sách vừa qua đối với kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng
cũng như theo dõi các cú sốc từ bên ngoài có thể xảy ra, chẳng hạn diễn
biến của đồng nhân dân tệ; chủ động và có biện pháp ứng phó kịp thời
theo như cách thức đang làm hiện nay để các yếu tố thị trường đóng vai
trò quan trọng hơn. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét