Cần 2 triệu doanh nghiệp để “lật ngược thế cờ”
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế
(VEC) Đặng Đức Thành, kinh nghiệm thế giới cho thấy, để nền kinh tế có
thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên
2% dân số. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có trên 800 nghìn doanh nghiệp,
và thực tế chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp hoạt động.
Các đại biểu kiến nghị cần cấp thiết đổi mới thể chế để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.
Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so
với các nước, vùng lãnh thổ. Chẳng hạn như Mỹ có 319 triệu dân và có tới
27 triệu doanh nghiệp, Đài Loan 23 triệu dân có 10 triệu doanh nghiệp,
Nhật Bản 127 triệu dân với 15 triệu doanh nghiệp… “Với dân số 90 triệu
dân, chúng ta cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu
quả”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam bước vào hội nhập, ông Thành cho rằng, các
doanh nghiệp đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị
trường, song áp lực cạnh tranh cũng tăng lên rất mạnh. Những ngành như ô
tô, sữa, mía đường, chăn nuôi, thép… sẽ phải chịu sức ép lớn nhất.
Không những thiếu về số lượng, mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu về
chất lượng. “Nhà nước chỉ huy trận đánh kinh tế nhưng lại như người
tướng thiếu quân, không có nhiều những người lính làm kinh tế”, ông
Thành ví von.
Thừa nhận quan điểm cho rằng, lâu nay hội nhập mà doanh nghiệp không
tích cực chuẩn bị và rất yếu trong cạnh tranh, song Viện trưởng Viện
Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho
rằng, điều này có thể đúng nhưng chưa đủ. “Doanh nghiệp Việt Nam như
đang đi trên cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí. Họ
phải cúi đầu dò dẫm từng bước một để không bị rơi xuống sông nên không
thể nhìn xa ra bên ngoài được”, ông Cung nói. TS Trần Du Lịch thì đánh
giá: “Doanh nghiệp Việt Nam sợ hội nhập như sợ ma”.
Bộ máy “nghiện” quản lý, ra lệnh
Theo các chuyên gia, thời gian qua chúng ta luôn đi đầu về đàm phán
hội nhập, song sự đổi mới thể chế trong nước còn quá chậm. Thực tế được
ông Cung nêu ra là, Nhà nước vẫn tư duy quản lý theo kiểu đứng ở trên và
đặt ra rào cản chứ không phải đồng hành với doanh nghiệp.
“Bộ máy của ta nghiện quản lý, nghiện ra lệnh, cơ cấu tổ chức không
thay đổi nên năng lực quản lý không thay đổi. Không phải doanh nghiệp mà
chính là Nhà nước đang cản trở hội nhập”, ông Cung lập luận, đồng thời
đề nghị không nên phê phán doanh nghiệp mà cần phải thay đổi cách thức
quản lý.
“Các quốc gia chỉ giàu lên khi có một thể chế tốt. Philippines những
năm 1970 là nước phát triển nhất ở khu vực. Nhưng do thể chế kinh tế yếu
kém, họ đã tụt hậu dần và giờ chỉ đứng trên Việt Nam một chút”, nguyên
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra cảnh báo.GS Võ Đại Lược cũng cho rằng, trong quá trình hội nhập, đất nước phải
đối diện với cạnh tranh toàn cầu. Nếu thể chế và điều hành “có vấn đề”
thì doanh nghiệp cũng không làm gì được. “Hội nhập phải đi liền với đổi
mới, nhưng đổi mới bên trong còn chậm quá, đột phá thể chế chưa làm được
bao nhiêu cả”, ông Lược nói và cho rằng, nguồn vốn cần được quản lý
chặt chẽ hơn, đặc biệt với dòng vốn ODA, chưa được quản lý chặt và có
phần gây lãng phí.
Theo TS Võ Trí Thành (CIEM), bản chất của hội nhập là luật lệ, luật
chơi, nhưng cuối cùng thì vẫn là con người. Điều quan trọng hội nhập
không chỉ là kinh tế, do vậy điều này đòi hỏi phải cải cách thể chế trên
tất cả các lĩnh vực văn hóa, ngoại giao, chính trị, kinh tế…
Tuy nhiên, điều này lại vô cùng khó với Việt Nam, vì chúng ta đang có
quá nhiều đặc thù về truyền thống lịch sử, về chính trị. Ông Thành cho
rằng, khi cạnh tranh có thể 100 nghìn doanh nghiệp “chết”, nhưng 200
nghìn doanh nghiệp khác “mọc” lên. Tuy nhiên, cái khó hơn rất nhiều là
bộ máy công chức ai điều chỉnh? “Đó là cái tính ì lớn nhất của hội
nhập”, ông Thành nhìn nhận.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét