Làn sóng mới
Ngay từ năm trước, thị trường bất động sản (BĐS) đã rục rịch hàng loạt dự án đầu tư vào vùng ven biển. Những dự án lớn có trị giá hàng ngàn tỉ đồng được tung ra khá sôi động tại các thị trường biển quen thuộc như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… 
Ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Vina Real cho biết: “Năm 2014 đã đánh dấu những điểm nhấn giao dịch căn hộ nghỉ dưỡng tại Nha Trang, đặc biệt là những căn hộ trên mặt tiền tuyến đường ven biển - Trần Phú. BĐS nghỉ dưỡng ở thành phố Nha Trang tập trung vào phân khúc cao cấp từ 4 đến 5 sao thông qua mô hình kết hợp tổ hợp khách sạn và căn hộ”. Theo ông dự đoán, thời điểm bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng sẽ rơi vào giai đoạn 2017 - 2020. 
Tại miền Bắc, từ giữa tháng 7 vừa qua, dự án FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) 5.000 tỉ đồng của ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết đầu tư chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là khu du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại và quy mô bậc nhất Bắc Trung Bộ với 2.000ha, bao gồm các hạng mục như sân golf, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bể bơi nước mặn, trung tâm hội nghị quốc tế, các khu vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời cùng hơn 1.000 căn biệt thự. Được biết, ngay trong đợt mở bán đầu tiên, hàng trăm căn biệt thự đã có chủ, phần nào cho thấy sức hấp dẫn lớn của dự án này. 
Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng cũng được khởi công xây dựng tại các khu vực lân cận thành phố biển Vũng Tàu như: Dự án phố biển Marine (Long Điền) của Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải; dự án 70,2ha tại khu đô thị sinh thái Cỏ May do Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) phối hợp với một tập đoàn bán lẻ lớn tại TP.HCM làm chủ đầu tư. 
Đặc biệt, Phú Quốc đang được xem là từ khóa “hot” đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng khi rất nhiều đại gia đã và đang sẵn sàng rót vốn vào mảnh đất này. Vốn đầu tư hiện tại không chỉ đến từ Hà Nội, TP.HCM mà còn có cả nhà đầu tư ngoại. Phân khúc đất nền tại đây đang lên cơn sốt, giá có xu hướng tăng, đặc biệt là những lô đất có vị trí đắc địa ven biển. Nhiều cái tên lớn như SunGroup, Mường Thanh, Nam Cường… đã và đang hướng dòng tiền về Phú Quốc. Trong các dự án BĐS nghỉ dưỡng khá sôi động này phải nhắc tới cái tên Sonasea Villas & Resort rộng 80ha của CEO Group, khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc của Syrena Việt Nam hay Vinpearl Premium Phú Quốc của “ông lớn” Vingroup. 
Lo ngại sốt ảo
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, 7 tháng đầu năm 2015, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có 210 dự án trong các khu quy hoạch với hơn 8.600ha. Trong đó, 23 dự án đi vào hoạt động (vốn đầu tư khoảng 25.800 tỉ đồng), 14 dự án đang triển khai xây dựng, còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. 
Lý giải về cơn sốt đất ở Phú Quốc hiện nay, theo chia sẻ với báo chí của ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc: "Thời gian gần đây, giá đất tại Phú Quốc đang tăng lên chóng mặt do một số người đầu cơ đất, cò đất làm loạn thị trường". 
Có thể nói, BĐS hiện đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là phân khúc đầy tiềm năng như BĐS nghỉ dưỡng. Bên cạnh sự phát triển về hạ tầng thì nhiều cơ hội lớn đang được mở ra, trong đó có vấn đề mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng nóng như hiện nay, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng liệu có được bền vững và lâu dài? 
Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu quan điểm: “Hàng loạt các phân khúc BĐS, không riêng gì BĐS nghỉ dưỡng, đang phát triển một cách ào ạt và thu hút rất nhiều dòng tiền của người dân vào đây. Đặc biệt, đất ở Long Thành, Phú Quốc đang tạo thành một cơn sốt với độ nóng quá lớn mà chưa có một nhà nghiên cứu nào dám khẳng định có thể sốt ảo hoặc tạo bong bóng hay là không. Nhưng rõ ràng, những điều kiện của bong bóng năm 2008 - 2009 từng trải qua thì bây giờ bắt đầu lặp lại với một quy mô và cường độ lớn hơn. Ví dụ như, cũng với BĐS nghỉ dưỡng trước đó chỉ vài trăm căn, một ngàn căn đã là ghê gớm, bây giờ thì có tới vài chục ngàn căn”. 
Hiện nay, kênh vàng và chứng khoán rất nguy hiểm và bấp bênh, kênh gửi ngân hàng hiệu quả không cao nên không ít nhà đầu tư chọn kênh BĐS với một sự kỳ vọng tốt hơn, nhưng phần đông là thiếu thông tin và chạy theo xu hướng đám đông nên vẫn có nguy cơ rủi ro lớn. 
Trước thực trạng đó, Phó chủ tịch HoREA cho rằng phải có một báo cáo tổng quát mà Chính phủ và Bộ Xây dựng cần có sự bắt tay để thống kê, tìm hiểu nhằm cảnh báo hoặc ngăn chặn nguy cơ bong bóng BĐS.
P.Trang/Duyên dáng Việt Nam